Vụ án Vạn Thịnh Phát (hay Đại án Vạn Thịnh Phát), cũng được Tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh gọi là vụ án Trương Mỹ Lan và đồng phạm, là một vụ bê bối kinh tế, tham nhũng đặc biệt nghiêm trọng diễn ra tại Công ty cổ phần Tập đoàn Vạn Thịnh Phát và Ngân hàng Thương mại cổ phần Sài Gòn (SCB) do tỷ phú Trương Mỹ Lan cầm đầu trong hơn 10 năm. Tổng cộng đã có 86 người bị truy tố, và tổng số tiền thiệt hại của vụ án lên tới 677.000 tỷ đồng (tương đương 27 tỷ USD) thông qua việc lừa đảo giải ngân thông qua các hồ sơ cho vay của Ngân hàng SCB lên tới 1 triệu tỷ đồng (tương đương 44 tỷ USD), trở thành một trong các vụ bê bối kinh tế lớn nhất trong lịch sử Việt Nam và vượt qua bê bối 1Malaysia Development Berhad ở Malaysia, trở thành vụ bê bối tham nhũng lớn nhất Đông Nam Á. Nhiều chuyên gia cũng cho rằng, vụ bê bối này có thể là một trong những vụ lừa đảo tài chính lớn nhất trong lịch sử thế giới. Vụ bê bối Vạn Thịnh Phát được phơi bày trong bối cảnh chiến dịch đốt lò của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khởi xướng được đẩy mạnh lên cao nhất khi nhiều cán bộ cấp cao và kể cả Chủ tịch nước đều có liên quan. Trước khi Trương Mỹ Lan bị bắt giữ, nhiều Chủ tịch Tập đoàn lớn ở Việt Nam cũng đã bị tạm giam và khởi tố hình sự. Trong quá trình bê bối được phát hiện và nhiều cá nhân bị bắt giữ, nhiều cuộc biểu tình, căng băng rôn phản đối, đòi quyền lợi của người dân cũng đã được diễn ra trước các trụ sở, chi nhánh của Ngân hàng SCB.
Mua chuộc cán bộ, lãnh đạo Cơ quan Thanh tra Giám sát ngân hàng để bưng bít sai phạm
Nhằm che giấu hành vi phạm tội khi bị thanh tra, kiểm tra, Trương Mỹ Lan đã chỉ đạo các cán bộ chủ chốt của SCB mua chuộc cán bộ, lãnh đạo Cơ quan Thanh tra Giám sát ngân hàng, Lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Thành phố Hồ Chí Minh, Tổ trưởng Tổ giám sát tăng cường tại SCB để các cá nhân có thẩm quyền trên bưng bít, che giấu thông tin sai phạm, báo cáo kết quả thanh, kiểm tra không trung thực, không đầy đủ.
Ngoài ra, Trương Mỹ Lan đã chỉ đạo lãnh đạo chủ chốt của SCB thực hiện việc phân bổ các khoản vay của Trương Mỹ Lan ở một số chi nhánh chính (Sài Gòn, Cống Quỳnh, Phạm Ngọc Thạch, Bến Thành) sang một số chi nhánh khác (Đông Sài Gòn, Củ Chi, Tân Định …) để làm giảm mức độ chú ý của lực lượng chức năng.
Đặc biệt là, giai đoạn 2017 - 2018, Đoàn thanh tra liên ngành tập trung thanh tra tại SCB Chi nhánh Phạm Ngọc Thạch do đã phát hiện dấu hiệu sai phạm. Để che giấu, đối phó, Trương Mỹ Lan đã chỉ đạo tất toán khoản vay tại chi nhánh này bằng việc tạo lập các khoản vay mới ở các chi nhánh SCB khác, sử dụng tiền giải ngân để tất toán các khoản vay tại Chi nhánh Phạm Ngọc Thạch.
Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao kết luận, trong vụ án này, Trương Mỹ Lan đã thâu tóm, nắm giữ trên thực tế số lượng cổ phần gần như tuyệt đối của Ngân hàng SCB (từ 85% đến 91,5% cổ phần) qua đó trở thành cổ đông có “quyền lực” để chỉ đạo, điều hành, thực chất là thao túng toàn bộ hoạt động phục vụ cho các mục đích của mình.
Đề nghị mức án Chung Thân đối với bị cáo Đỗ Thị Nhàn, Cục trưởng Cục 1 Cơ quan Thanh tra giám sát NHNN
Đối với nhóm các bị cáo thuộc Cơ quan Thanh tra giám sát NHNN và Ngân hàng nhà nước chi nhánh TP Hồ Chí Minh, Viện kiểm sát đề nghị bị cáo Đỗ Thị Nhàn, Cục trưởng Cục 1 Cơ quan Thanh tra giám sát NHNN, Trưởng đoàn Thanh tra mức án Chung thân về tội “Nhận hối lộ”.
Bị cáo Nguyễn Văn Hưng (Phó Chánh Thanh tra Cơ quan Thanh tra giám sát NHNN bị đề nghị từ 14 đến 15 năm tù về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”
Bị cáo Nguyễn Văn Du, Quyền Chánh Thanh tra Cơ quan Thanh tra giám sát NHNN từ 3 đến 4 năm tù về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”.
Bị cáo Nguyễn Văn Dũng, Phó Giám đốc NHNN chi nhánh TP.HCM từ 11 đến 12 năm tù về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”.
Các bị cáo còn lại trong nhóm này bị Viện kiểm sát đề nghị mức án từ 3 năm tù cho hưởng án treo đến 8 năm tù, cùng về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”.
NHÓM LỢI DỤNG CHỨC VỤ, QUYỀN HẠN TRONG THI HÀNH CÔNG VỤ
64. NGUYỄN VĂN HƯNG (cựu Phó Chánh Thanh tra phụ trách Cơ quan thanh tra, Giám sát ngân hàng, NHNN) 11 năm tù.
65. NGUYỄN THỊ PHỤNG (cựu Phó Cục trưởng Cục Thanh tra, Giám sát ngân hàng II (Cục II), Cơ quan thanh tra, Giám sát ngân hàng, NHNN) 4 năm tù.
66. BÙI TUẤN KHOA (cựu Phó Cục trưởng Cục Thanh tra, Giám sát ngân hàng II (Cục II), Cơ quan thanh tra, Giám sát ngân hàng, NHNN) 3 năm tù.
67. VƯƠNG ĐỖ ANH TUẤN (cựu Trưởng phòng thanh tra, Cục Thanh tra, Giám sát ngân hàng II (Cục II), Cơ quan thanh tra, Giám sát ngân hàng, NHNN) 3 năm tù nhưng cho hưởng án treo.
68. TRẦN VĂN TUẤN (cựu thanh tra viên Vụ Thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo khối nội chính và kinh tế tổng hợp (Vụ II), Thanh tra Chính phủ) 3 năm tù.
69. LÊ THANH HÀ (cựu Phó Chánh Thanh tra Kiểm toán Nhà nước, nguyên trưởng phòng Phòng kiểm toán ngân hàng 1, Kiểm toán Nhà nước chuyên ngành VII) 3 năm tù.
70. NGUYỄN VĂN THÙY (cựu Phó Trưởng ban kiểm tra, giám sát nội bộ ngân hàng, cựu Phó Trưởng ban giám sát tổng hợp, Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia) 3 năm tù.
71. NGUYỄN TUẤN ANH (cựu công chức Vụ Thanh tra, Giám sát các tổ chức tín dụng trong nước (Vụ I), Cơ quan thanh tra giám sát ngân hàng, NHNN) 3 năm tù.
72. VŨ KHÁNH LINH (cựu Phó Trưởng phòng thanh tra ngân hàng thương mại cổ phần, Cục Thanh tra, giám sát ngân hàng II (Cục II), Cơ quan thanh tra, giám sát ngân hàng, NHNN) 3 năm tù nhưng cho hưởng án treo.
73. TRƯƠNG VIỆT HƯNG (cựu thanh tra viên Vụ Thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo khối nội chính và kinh tế tổng hợp (Vụ II), Thanh tra Chính phủ) 3 năm tù.
74. NGUYỄN DUY PHƯƠNG (cựu thanh tra viên Vụ Thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo khối nội chính và kinh tế tổng hợp (Vụ II), Thanh tra Chính phủ) 2 năm tù.
75. NGUYỄN VĂN DŨNG (cựu Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.HCM) 11 năm tù.
76. NGUYỄN THỊ PHI LOAN (cựu Phó Chánh thanh tra phụ trách Cơ quan thanh tra, giám sát Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.HCM) 4 năm tù.
77. VÕ VĂN THUẦN (cựu Phó Chánh thanh tra, Giám sát ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.HCM) 7 năm tù.
78. PHAN TẤN TRUNG (cựu Phó Chánh thanh tra, Giám sát ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.HCM) 7 năm tù.
79. NGUYỄN TÍN (cựu thanh tra viên, Phó Trưởng phòng thanh tra hành chính, giải quyết khiếu nại tố cáo và phòng chống tham nhũng, Cục Thanh tra giám sát Ngân hàng TP.HCM (Cục II cũ) thuộc Cơ quan thanh tra, giám sát ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước) 3 năm tù.
Nâng khống giá trị tài sản bảo đảm
Trương Mỹ Lan bị Viện Kiểm sát xác định đã thông đồng, câu kết với Công ty Thẩm định giá để cấp Chứng thư nâng khống giá trị tài sản bảo đảm, đưa vào hồ sơ vay vốn; đưa tài sản đảm bảo không đủ pháp lý; không đăng ký giao dịch bảo đảm; rút tài sản có giá trị lớn hoán đổi bằng tài sản có giá trị thấp hơn.
Cụ thể, nhằm rút tiền từ SCB thông qua thủ đoạn lập hồ sơ vay vốn khống, Trương Mỹ Lan đã chỉ đạo cán bộ SCB thông đồng câu kết với các đối tượng tại các Công ty Thẩm định giá, phát hành các Chứng thư Thẩm định giá hợp thức các hồ sơ vay vốn của Trương Mỹ Lan.
Kết quả điều tra xác định: SCB thuê 19 Công ty thẩm định giá/46 đối tượng là Giám đốc, Phó giám đốc, Thẩm định viên, nhân viên thực hiện phát hành tham gia phát hành 378 chứng thư có liên quan đến các khoản vay còn dư nợ của nhóm Trương Mỹ Lan.
Đến nay, đã xác định có 5 công ty Thẩm định giá phát hành 23 chứng thư thẩm định giá hợp thức cho các khoản vay của nhóm Trương Mỹ Lan.
Để hợp thức hồ sơ, rút được tiền, Trương Mỹ Lan và các đồng phạm đã dùng nhiều tài sản chưa đủ điều kiện pháp lý, nâng khống giá để đưa vào làm tài sản bảo đảm cho các khoản vay.
Đối với 1.284 khoản vay còn dư nợ thuộc trách nhiệm của Trương Mỹ Lan, có 1.166 mã tài sản có giá trị sổ sách SCB ghi nhận, phân bổ là 1.265.504 tỷ đồng, nhưng Công ty Thẩm định giá Hoàng Quân chỉ định giá được 726/1.166 mã tài sản.
Số còn lại không định giá được vì lý do các tài sản là cổ phần cổ phiếu, quyền tài sản, bất động sản không đủ hồ sơ, pháp lý tài sản…
Khi cần rút các tài sản có pháp lý, có giá trị để bán hoặc sử dụng cho các mục đích khác, Trương Mỹ Lan chỉ đạo các đồng phạm thực hiện việc hoán đổi, rút các tài sản đảm bảo có giá trị ra khỏi SCB, thay thế bằng các tài sản khác, hầu hết có giá trị thấp hơn tài sản đã rút ra.
Để dễ dàng hoán đổi tài sản bảo đảm, Trương Mỹ Lan và các đồng phạm tại SCB không thực hiện việc đăng ký giao dịch bảo đảm theo quy định hoặc biến tướng thành “Quyền tài sản” để tránh việc đăng ký giao dịch bảo đảm.
Để hợp thức việc rút tiền đã được SCB giải ngân theo phương án khống, cắt đứt, che giấu dòng tiền, tránh sự phát hiện, xử lý của các cơ quan chức năng, Trương Mỹ Lan chỉ đạo cán bộ dưới quyền lập phương án thực hiện việc “giải quỹ” bằng việc lập hợp đồng hứa chuyển nhượng cổ phần khống để sử dụng tiền mà không bị các cơ quan chức năng kiểm tra, xử lý đồng thời né tránh việc phải nộp thuế theo quy định của pháp luật; đồng thời cho các cá nhân được thuê đứng tên người thụ hưởng khoản vay, đứng tên cổ phần… đến Ngân hàng ký chứng từ rút, nộp tiền.
Khi các khoản vay khống quá hạn, phải hạch toán nợ xấu nhóm 5, trong khi tỷ lệ tăng trưởng tín dụng bị hạn chế theo quy định của Ngân hàng Nhà nước, Trương Mỹ Lan không trả nợ mà còn chỉ đạo đồng phạm thực hiện thủ đoạn bán nợ xấu cho Công ty Quản lý tài sản (VAMC) và bán nợ trả chậm cho các chính các công ty “ma” do nhóm Vạn Thịnh Phát thành lập để che giấu một phần số nợ xấu, không phải hạch toán lãi, giảm dư nợ tín dụng nhằm tiếp tục chiếm đoạt tiền của SCB.
Kết quả điều tra xác định: Trong gian đoạn từ ngày 1/1/2012 đến ngày 7/10/2022, Trương Mỹ Lan và đồng phạm đã chỉ đạo các đối tượng tại SCB bán nợ xấu cho VAMC, bán nợ các khoản cấp tín dụng trả chậm, cấn trừ nợ 269 khoản vay của 216 khách hàng.